Bản Mông bừng sáng - Kỳ 2: Phát huy nét văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

11/12/2021 08:22

Hà Giang đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, trong đó định hướng của tỉnh là gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây được coi là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi tư duy, cải thiện thu nhập.

 

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái H’Mông Village xã Đông Hà (Quản Bạ).
Du khách tham quan khu du lịch sinh thái H’Mông Village xã Đông Hà (Quản Bạ).

Đến cửa ngõ Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn ngày nay, có một làng du lịch độc đáo, với ý tưởng gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, phát huy vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của Cao nguyên đá. Anh Lại Quốc Tĩnh, chủ nhân của H’Mông Village, chia sẻ: “Là người dân địa phương, tôi luôn mong muốn gìn giữ và phát triển kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông gắn với phát triển dịch vụ du lịch cao cấp. Bởi tôi nhận thấy đây là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Chính vì vậy, cách đây 2 năm, tôi đã đầu tư vào Dự án phục dựng, bảo tồn Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông”. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha, với tổng vốn đầu tư 89 tỷ đồng, gồm: 30 nhà trình tường, lợp ngói âm dương, tường rào bao quanh được xếp bằng đá xanh; khu nhà nghỉ cộng đồng; khu nhà trình diễn sản xuất, trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề truyền thống; hồ bơi vô cực; khu dã ngoại ngoài trời và sân khấu biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông… Đây là một trong những địa điểm du lịch đặc sắc đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây. H’Mông Village cũng giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần giới thiệu vẻ đẹp riêng có của Cao nguyên đá đến với bạn bè trong và ngoài nước. 

Biểu diễn văn nghệ dân tộc Mông chào đón khách du lịch. 						Ảnh: VIỆT TÚ
Biểu diễn văn nghệ dân tộc Mông chào đón khách du lịch. Ảnh: VIỆT TÚ

Là tỉnh miền núi, biên giới, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây, phía Tây giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm gần đây tỉnh chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) với phát triển du lịch bền vững; nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS. Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của dân tộc Mông đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo khôi phục, duy trì và tổ chức. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1244/QĐ-UBND năm 2017 về việc phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2017 - 2020” và “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống các DTTS, giai đoạn 2017 – 2020”. Nổi bật như: Huyện Xín Mần đã tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ văn hóa dân gian dân tộc Mông lần thứ III năm 2017, với sự tham gia của 136 nghệ nhân; phối hợp với Truyền hình VTV1 tổ chức quay phim phục dựng Lễ hội Gầu Tào tại xã Nàn Ma. Các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Quang, Hoàng Su Phì... đều duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông vào đầu năm mới, Lễ hội Gầu Tào vào dịp Tết Cổ truyền của dân tộc và có nhiều tiết mục biểu diễn văn hóa dân tộc Mông phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước... Các lễ hội đều nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào Mông và các dân tộc khác trên địa bàn, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền các cấp với nhân dân trong công tác phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, góp phần phát triển du lịch.

Từ đó, văn hóa dân tộc Mông ngày càng được nhiều người biết đến và trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch phát triển, nhất là du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, đồng thời tạo động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch. Tiêu biểu là vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển Làng văn hóa du lịch (VHDL), các huyện có đông đồng bào Mông sinh sống đã quy hoạch, xây dựng mỗi huyện 1 Làng VHDL cộng đồng dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, xây dựng Nông thôn mới. Hiện, toàn tỉnh có 5 làng văn hóa tại các huyện Quản Bạ, Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc. Các huyện cũng đang tiến hành khảo sát, lựa chọn các địa điểm, xây dựng thêm 13 dự án, gồm: Huyện Đồng Văn xây dựng Đề án bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2030 tại 11 thôn; huyện Yên Minh đang tiến hành xây dựng tại 2 thôn; huyện Xín Mần chủ trương quy hoạch 1 Làng VHDL. 

Nhờ các nỗ lực về bảo tồn văn hóa truyền thống, mỗi năm vùng Cao nguyên đá thu hút hàng triệu lượt du khách đến thăm quan, du lịch. Hiện nay, các cấp, ngành đang tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông giữ gìn bản sắc văn hóa, kiến trúc nhà ở truyền thống. Người dân chủ động trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên, du lịch được hình thành và củng cố; các làng nghề truyền thống đang dần được khôi phục và bảo tồn. Đại đa số người dân đã nhận thức được phát triển du lịch cộng đồng là đem lại lợi ích cho cá nhân người tham gia và chung cho cả cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Hà Giang online