Thứ năm, Ngày 16 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa

Gửi Email In trang Lưu
Kết quả 10 năm thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống tiêu biểu Lô Lô chải tỉnh Hà Giang

03/12/2015 08:11

Từ năm 2005 đến nay được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đầu tư kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho Hà Giang để thực hiện các dự án, đề tài về bảo tồn di sản văn hóa như: Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phục dựng lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số...

Làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải xã Lũng Cú huyện Đồng Văn

Đặc biệt năm 2006 Hà Giang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin nhất trí cho xây dựng làng truyền thống tiêu biểu Lô Lô Chải theo Quyết định số 2617/QĐ-BVHTT ngày 29/6/2006 về việc công nhận làng truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người (Lô Lô Chải) tỉnh Hà Giang. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức phục dựng một số tiểu dự án nhỏ về Phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội của dân tộc Lô Lô.

Làng Lô Lô Chải là làng thuần nhất chỉ có hai dân tộc cùng sinh sống: dân tộc Lô Lô và dân tộc Mông, làng có 95 hộ (dân tộc Lô Lô có 85 hộ và dân tộc Mông 10 hộ). Làng được hình thành cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Làng cách trung tâm huyện Đồng Văn 24km, cách trung tâm xã Lũng Cú 1km. Làng nằm phía Bắc cột cờ Quốc gia Lũng Cú cách 1,2 km. Khí hậu nơi đây mang tính chất ôn đới gió mùa, độ cao trung bình 1.500 - 1.600m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình năm từ 18 đến 20 độ C, chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Người Lô Lô chủ yếu sống bằng nghề nông: họ trồng ngô, lúa nương và hoa màu, trước đây người Lô Lô chỉ trồng 1 vụ/năm nên họ thường thiếu ăn từ 1 - 2 tháng. Ngày nay, do chuyển đổi giống cây trồng người Lô Lô đã trồng 1 năm 2 vụ, nên đời sống kinh tế đã từng bước được cải thiện.

Dự án "Bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người (Lô Lô Chải) tỉnh Hà Giang" đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho người dân làng Lô Lô như: giúp làng Lô Lô xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại trung tâm thôn, kè hồ nước đầu làng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân. Tu sửa 03 ngôi nhà cổ tại làng Lô Lô và hỗ trợ 40 gia đình trong thôn phát triển nghề thêu dệt trang phục dân tộc, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu may mặc của bà con trong bản và cho khách du lịch; Một số nghề truyền thống được phục dựng và bảo tồn như: Nghề làm ngói máng, nghề mộc, nghề bốc thuốc nam và bảo tồn Ẩm thực của dân tộc Lô Lô như: Thắng cố, thịt treo bếp, bánh trưng đen, bánh dày...

Dự án "Bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người (Lô Lô Chải) tỉnh Hà Giang" hoàn thành đã giúp làng Lô Lô phát triển toàn diện trên các mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội. Có được những kết quả đó do dự án được người dân làng Lô Lô đồng tình ủng hộ và tự nguyện tham gia vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Một số nghi lễ truyền thống tiêu biểu có nguy cơ bị lãng quên được phục dựng, bảo tồn và phát huy. Đời sống kinh tế từng bước tăng trưởng: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là 75% đến năm 2014 xuống còn 46%, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 là 6 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 tăng lên 12 -14 triệu đồng/người/năm.

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Lô Lô được bảo tồn và phát huy như: các nghề truyền thống (nghề mộc, nghề làm ngói máng, nghề thêu...), các tập quán xã hội, các làn điệu dân ca, các điệu múa cổ truyền của dân tộc Lô Lô, các lễ hội truyền thống như: Lễ cúng thần rừng, Lễ cúng tổ tiên, Lễ mừng lúa mới, ngô mới, Lễ tôn trưởng họ, nghi lễ vòng đời (sinh đẻ, đám cưới, đám tang)... Sưu tầm, phục dựng các điệu múa, các bài hát dân ca truyền thống: Làng đã thành lập 1 đội văn nghệ dân gian gồm 40 đội viên thường xuyên luyện tập và phục vụ nhu cầu của khách tham quan.

Từ năm 2010, sau khi Dự án "Bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người (Lô Lô Chải) tỉnh Hà Giang" hoàn thành, nhiều đoàn khách du lịch đã đến tham quan và nghỉ đêm tại làng để thưởng thức, khám phá và trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô. Trong thôn có 04 hộ gia đình đầu tư giường, đệm (khoảng 20 giường) và trang thiết bị làm cơ sở lưu trú (homestay) phục vụ khách du lịch. Mỗi tháng đón tiếp từ 50 - 80 khách đến lưu trú, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và tham gia giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cùng với danh thắng quốc gia cột cờ Lũng Cú, làng Lô Lô Chải hiện đang là điểm đến tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu văn hóa truyền thống của du khách trong và ngoài nước. Dự án "Bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người (Lô Lô Chải) tỉnh Hà Giang" đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng người Lô Lô về di sản văn hóa, đồng thời tạo nên ý thức tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên Làng Lô Lô vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định cần khắc phục như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội chưa đúng theo quy định của tỉnh: Tang ma vẫn còn tổ chức dài ngày quá 48h, việc thách cưới và tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn ...

Các sản phẩm của nghề truyền thống chưa thu hút khách du lịch như: thêu dệt trang phục đã được bảo tồn và phát huy nhưng mẫu mã còn đơn điệu, thiếu tính phong phú, độc đáo. Việc tiếp thu ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, hầu hết người dân trong Làng Lô Lô chỉ tập trung vào lao động sản xuất theo phương thức truyền thống, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống chưa được thường xuyên, chỉ được thực hiện khi khách tham quan yêu cầu.  Kinh phí chi cho tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hầu như chưa có gì, chưa khai thác và huy động được nguồn kinh phí xã hội hoá. Để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô được bảo tồn một cách bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu tại địa phương như: cân đối ngân sách đầu tư cho bảo tồn và phát huy di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Trong đó cần coi trọng đầu tư trực tiếp cho chủ thể các di sản văn hoá, có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân của làng truyền thống tiêu biểu (Làng Lô Lô Chải).

Với giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Lô Lô, năm 2012 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ di sản Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đệ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vương Thị Bình

Tin khác

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở lớp truyền dạy chế tác khèn Mông tại huyện Quản Bạ (02/12/2015 21:50)

Tổng kết trao giải cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về PCBLGĐ và ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong đoàn viên thanh niên. (25/11/2015 21:41)

Nghệ thuật khèn của người Mông Hà Giang trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (30/10/2015 09:49)

Múa ma cỏ dân tộc Lô Lô đen ở Lũng Cú (14/10/2015 08:15)

Cao nguyên đá, độc đáo di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (12/10/2015 14:23)

Giao lưu văn nghệ "Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc" (09/10/2015 14:25)

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” (29/09/2015 10:24)

Lễ ra đồng (pặt oong) của dân tộc Pu Péo (29/09/2015 09:57)

Khai mạc tuần VHDL Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và công bố Quyết định xếp hạng VH PVT cấp Quốc gia Lễ hội Quỹa Hiéng dân tộc Dao (25/09/2015 11:02)

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tết Trung thu năm 2015 (24/09/2015 12:00)

xem tiếp