Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Văn hóa

Gửi Email In trang Lưu
Hiệu quả từ mô hình hoạt động " Hội nghệ nhân dân gian" tỉnh Hà Giang

05/07/2016 10:05

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, là địa bàn cư trú của 19 dân tộc, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, độc đáo tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Nghi lễ cấp Sắc của người Dao ở Quang Bình (Ảnh: Baohagiang.vn)

Trong những năm qua đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang không ngừng được nâng cao, các hoạt động tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, các lễ hội truyền thống được cấp ủy, chính quyền quan tâm, do đó các nét văn hóa riêng, các nghề truyền thống của từng dân tộc được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội và tác động của cơ chế thị trường đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì, bảo tồn các di sản văn hóa, các nghề truyền thống độc đáo của các dân tộc, vì vậy vốn văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc trong toàn tỉnh đang có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, các hoạt động mê tín, các hủ tục lạc hậu, hoạt động tín ngưỡng không lành mạnh như: việc cưới, việc tang còn rườm rà, dài ngày; cúng khi người bị ốm, tảo hôn, sinh con thứ 3, hôn nhân cận huyết thống, theo đạo trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. .... đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng tiến bộ trong cộng đồng các dân tộc, gây mất đoàn kết, thiệt hại về kinh tế cho đồng bào các dân tộc vốn đã nghèo đói lại nghèo đói hơn.

Để khắc phục tình hình đó, năm 2006 huyện Hoàng Su Phì đã thử nghiệm thành lập mô hình hoạt động “Hội nghệ nhân dân gian” tại xã Hồ Thầu. Sau thời gian hoạt động, Hội đã góp phần tích cực trong việc phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, đã tạo dựng được những nét đẹp văn hóa dân tộc, thông qua các nghệ nhân, qua tín ngưỡng tâm linh dân gian để bài trừ hủ tục lạc hậu, tạo sự hòa thuận giữa các dân tộc, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.Xác định rõ vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy các vốn văn hóa dân gian các dân tộc, từ thực tế hoạt động của các “Hội nghệ nhân dân gian” của Huyện Hoàng Su Phì, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã chủ trương triển khai nhân rộng mô hình hoạt động “Hội nghệ nhân dân gian” trong toàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố đã chỉ đạo thành lập tổ chức “Hội nghệ nhân dân gian”. Tổng số tổ chức hội được thành lập là 171 hội ở 170 xã, phường, thị trấn và 01 tổ chức hội cấp huyện (huyện Xín Mần), với 6.642 hội viên. Hiện có 26 tổ chức Hội do UBND huyện ra quyết định thành lập, 145 tổ chức hội do UBND cấp xã ra quyết định thành lập. Có 128 tổ chức hội đã phân nhóm (lĩnh vực) để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp hơn với vai trò từng hội viên, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: tín ngưỡng dân gian; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian; truyền dạy và làm nghề truyền thống.

Kể từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, các tổ chức “Hội nghệ nhân dân gian” đã phát triển ở gần hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh (chiếm 87% xã, phường, thị trấn); các tổ chức Hội đã góp phần tuyên truyền vận động nhân dân chấp hanh tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ, cải tiến các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan như: làm ma dài ngày, tốn kém, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh con thứ 3… Đặc biệt, các hội viên còn vận động nhân dân thực hiện các quy ước, hương ước của thôn, bản, phát huy gìn giữ các văn hóa dân gian của từng dân tộc, địa phương, truyền dạy các nghề truyền thống… góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các hội viên hoạt động trên lĩnh vực này chủ yếu là thầy cúng, thầy mo, thày tạo, xem tuổi, xem ngày tốt – xấu (chiếm 35%), họ là những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tình trạng ma chay kéo dài ngày, cúng khi ốn đau, ép duyên, hôn nhân cùng huyết thống, tảo hôn, thách cưới vừa giúp nhân dân giải tỏa về mặt tư tưởng, giảm gánh nặng về kinh tế, củng cố niềm tin về mặt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, hạn chế việc kẻ xấu lợi dụng để truyền đạo trái pháp luật.

Hoạt động của Hội nghệ nhân dân gian trong những năm gần đây phát triển mạnh về lĩnh vực phát huy bản sắc văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc (chiếm 33%), đây là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Thông qua hội viên lĩnh vực này đã góp phần làm cho hoạt động văn hóa dân gian các dân tộc ở địa phương ngày càng phong phú hơn, hàng năm toàn tỉnh có trên 50 lễ hội được tổ chức. Hội nghệ nhân dân gian cùng với chính quyền địa phương đã sưu tầm, dựng lại các lễ hội truyền thống của từng dân tộc và đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc riêng cho tỉnh Hà Giang. Các hoạt động văn hóa dân tộc đã được các địa phương gắn với xây dựng các làng văn hóa du lịch và xây dựng nông thôn mời tiêu biểu như thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ; thôn Lũng Cẩm trên xã Sủng Là; thôn Bản Bang xã Đạo Đức… Ben cạnh đó các hội viên còn thành lập các câu lạc bộ, các lớp dạy chữ nho, sáng tác thơ, nhạc, các lớp truyền dạy văn hóa dân gian điển hình như câu lạc bộ “Liên thế hệ” xã Yên Thành huyện Quang Bình; câu lạc bộ hát Then cổ xã Phương Độ, thành phó Hà Giang; câu lạc bộ khèn Mông tại các xã của huyện Đồng Văn. Đặc biệt, sau khi thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06/01/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh, một lần nữa vai trò của các hội viên được phát huy. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các hội viên lựa chọn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương để truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Cùng với đó, các hội viên hội nghệ nhân dân gian còn quan tâm đến việc truyền và dạy, làm nghề truyền thống (chiếm 25%). Toàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 20 làng nghề truyền thống được công nhận, với hàng ngàn người hiểu biết về nghề truyền thống của các dân tộc như thày thuốc đông y, nghề chạm bạc, nghề rèn, làm khèn, quẩy tấu, thêu dệt, công cụ sản xuất… Thông qua hội nghệ nhân dân gian các hội viên được trảo đổi, đề xuất với chính quyền để tôn tạo, khôi phục, truyền dạy để phát huy giá trị sản phẩm của dân tộc, của địa phương. Nhiều lớp truyền dạy nghề được tổ chức thông qua các hội viên trực tiếp truyền dạy đã phát huy hiệu quả.

Có thể khẳng định, sau 4 năm triển khai hoạt động, Hội nghệ nhân dân gian tỉnh Hà Giang đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước với các hoạt động tín ngưỡng dân gian của các dân tộc, tạo điều kiện cho các hội viên hoạt động đúng pháp luật, gương mẫu tham gia giúp chính quyền làm tốt hơn công tác tuyên truyền vận động nhân dân… Đồng thời góp phần đáng kể vào thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố đề ra; phát huy được các giá trị văn hóa các dân tộc đang dần mai một; thay đổi dần nhận thức của nhân dân làm giảm dần các tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy khơi dậy các tiềm năng con người, các nghề truyền thống của nhân dân các dân tộc, góp phần xóa nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc Hà Giang.

Nguyễn Thị Hoài

Tin khác

Về miền cực Bắc khám phá di sản văn hóa phi vật thể (05/07/2016 08:12)

Chương trình khóa học bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về “Phát triển và quản lý mạng lưới Công viên địa chất ở Việt Nam, cơ hội và thách thức” (22/06/2016 09:03)

Công tác tuyên truyền - một trong những yếu tố tạo nên thành công trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại Hà Giang (09/06/2016 08:52)

Tưng bừng Hội đua ngựa huyện Mèo Vạc lần thứ 3 (04/05/2016 09:42)

Mèo Vạc: Khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Lễ hội chợ tình Khâu Vai năm 2016 (01/05/2016 09:38)

Mèo Vạc: Đã sẵn sàng đón khách du lịch đến tham dự Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2016 (27/04/2016 09:33)

Rộn ràng chợ đêm Mèo Vạc (25/04/2016 09:05)

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động tỉnh Hà Giang lần thứ 3 (24/04/2016 09:01)

Khởi công xây dựng Tượng đài “Thanh niên xung phong mở con đường Hạnh Phúc” (21/03/2016 08:44)

Khai mạc lễ hội Đền, chùa Thành phố Hà Giang năm 2016 (19/03/2016 20:48)

xem tiếp