Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

Văn hóa

Gửi Email In trang Lưu
Hun đúc tình yêu văn hóa truyền thống cho những "mầm xanh" tương lai

23/04/2020 09:54

Ngày 7.4.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 597/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, đề án đã trang bị cho học sinh phổ thông những kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương. Từ đó, hun đúc tình yêu bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử cho những “mầm xanh” của đất nước.

 

Học sinh Trường Tiểu học Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) học thêu hoa văn truyền thống.                                                               Ảnh: TƯ LIỆU
Học sinh Trường Tiểu học Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) học thêu hoa văn truyền thống. Ảnh: TƯ LIỆU

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chiến Phố (Hoàng Su Phì) có 100% học sinh (HS) là con em dân tộc Nùng và Mông. Thực hiện Đề án đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy, nhà trường đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt. Qua đó, giúp HS hình thành các kỹ năng sống cơ bản và hiểu thêm lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương, dân tộc. Thầy giáo Đỗ Hữu Vịnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Nhà trường đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gồm 20 thành viên, do Hiệu trưởng nhà trường làm Trưởng ban; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng năm học. Bên cạnh việc mời các nghệ nhân dân gian, người am hiểu phong tục, tập quán đến nói chuyện chuyên đề và truyền dạy cho HS; nhà trường còn hướng dẫn HS thành lập các câu lạc bộ: Văn hóa, văn nghệ, học nghề truyền thống... Đến nay, đã thành lập được nhiều câu lạc bộ, thu hút sự tham gia của đông đảo HS với 9 nội dung: Múa khèn Mông, múa gậy đồng xu, múa ô, múa ngựa, thêu thùa, may vá… Hình thức giảng dạy được đa dạng, như: Lồng ghép trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn, đội; thông qua các hoạt động này đã góp phần thu hút học sinh đến trường đông đủ hơn; tạo hứng thú cho HS trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường.

Huyện Xín Mần, được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện đưa văn hóa truyền thống vào trường học; từ khi thực hiện đề án đến nay, các trường học trên địa bàn đã tổ chức truyền dạy được 526 chuyên đề; trong đó, hơn 1.300 tiết học giáo dục kỹ năng sống với 116 câu lạc bộ sở thích được thành lập. Việc giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống được thực hiện có sự phân cấp rõ ràng từ bậc Tiểu học đến THCS, THPT. Qua từng cấp học đã giúp hình thành những kỹ năng sống cơ bản cho HS, từng bước hoàn thiện về thể chất, đạo đức, trí tuệ cho HS; đồng thời giúp HS nắm được lịch sử, văn hóa của địa phương, dân tộc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 3 năm thực hiện đề án; các nhà trường đã tổ chức được gần 2.900 chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, xây dựng và tổ chức hoạt động trên 1.700 câu lạc bộ sở thích, như: Tiếng Anh, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, văn học, nghệ thuật, văn hóa truyền thống... Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục đã có những mô hình, cách làm hay, như: Mô hình về xây dựng cảnh quan sư phạm các nhà trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện; các mô hình thư viện dùng chung, thư viện ngoài trời, thư viện trong lớp học; vận động cộng đồng làm đồ chơi cho HS bằng các vật liệu sẵn có của địa phương; tổ chức Cuộc thi “Rung chuông vàng” cho HS tìm hiểu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc giáo dục gắn với lao động sản xuất để giáo dục kỹ năng sống cho HS. Đến hết năm 2019, có tổng số 326 trường có mô hình chăn nuôi với số lượng 1.459 con lợn và tổ chức làm vườn rau do HS chăm sóc khoảng 55.865 m2 với 129.665 kg rau thành phẩm/năm.

Hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được các trường thực hiện với nội dung và hình thức phong phú, đa đạng: Giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở địa phương; truyền dạy một số làn điệu dân ca và cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, như: Khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn Tính. Nhiều nhà trường đã tổ chức cho HS tìm hiểu các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại địa phương như các lễ hội truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian và các cuộc thi hát, múa các làn điệu dân ca truyền thống cho HS tham gia. Một số đơn vị trường học còn sưu tầm, xây dựng gian trưng bày nhạc cụ truyền thống, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc tại địa phương trong phòng truyền thống, thư viện, góc lớp…

Có thể khẳng định, qua 3 năm thực hiện đề án đã trang bị cho HS các cấp những kiến thức, kỹ năng phù hợp; từng bước hình thành nhân cách cho HS, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Đồng thời, giúp HS thêm yêu và tự hào về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; từ đó hình thành nhận thức và hành động đúng đắn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

 

BHG

Tin khác

Bảo tồn tri thức địa phương để phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn (16/04/2020 14:42)

Huyền thoại và cuộc sống trên đỉnh núi soi bóng dòng Lô (13/04/2020 08:53)

Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang – Di sản trong lòng di sản (30/03/2020 16:10)

Điệu hát giao duyên của người Dao trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (12/02/2020 08:26)

Đồng Văn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong xây dựng Nông thôn mới (10/02/2020 07:59)

Quản Bạ phát huy hiệu quả các nghề truyền thống (07/02/2020 07:55)

Rực rỡ các vườn hoa đón Tết (15/01/2020 08:15)

TRUYỀN THUYẾT MẬT ONG HOA BẠC HÀ CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN (10/01/2020 15:39)

Tinh Tế Và Độc Đáo Nghề Chạm Khắc Bạc của Người Dao (25/12/2019 13:35)

Nghề vẽ sáp ong trên vải lanh Sủng Trái (17/12/2019 07:35)

xem tiếp