Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Gửi Email In trang Lưu
Hà Giang - điểm đến hấp dẫn, an toàn - Kỳ 1: Điểm đến tuyệt vời nên khám phá

02/12/2021 12:35

Với 3 không gian du lịch (DL) độc đáo, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đặc sắc về địa chất, địa hình cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc… đã kết tinh lợi thế để Hà Giang đẩy mạnh phát triển “ngành công nghiệp không khói”; phấn đấu đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách.

 

Hẻm vực Tu Sản, “đệ nhất hùng quan” trên Cao nguyên đá luôn thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.     (Ảnh chụp trước ngày 25.10.2021)                                                                                                                                                                                                                         Ảnh: ĐỨC QUÝ
Hẻm vực Tu Sản, “đệ nhất hùng quan” trên Cao nguyên đá luôn thu hút du khách khám phá, trải nghiệm. (Ảnh chụp trước ngày 25.10.2021) Ảnh: ĐỨC QUÝ

Hà Giang là mảnh đất biên cương, địa đầu cực Bắc Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo đang được gìn giữ và phát huy. Đây cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế không chỉ là tài sản quý giá để thúc đẩy phát triển KT-XH mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Ba không gian du lịch độc đáo

“DL Hà Giang mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Hà Giang không chỉ đẹp bởi phong cảnh hùng vĩ, nên thơ mà còn đẹp bởi sắc hoa và tình người vùng cao. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên cùng những nét độc đáo trong văn hóa đồng bào các dân tộc nơi miền cực Bắc luôn để lại ấn tượng tuyệt vời trong lòng lữ khách” – Chị Lê Thị Thanh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tổ chức sự kiện và DL quốc tế New World không giấu được tình cảm xúc động khi nhắc đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Phụ nữ Tày xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) luyện tập các tiết mục hát Then, đàn Tính. 	        Ảnh: TƯ LIỆU
Phụ nữ Tày xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) luyện tập các tiết mục hát Then, đàn Tính. Ảnh: TƯ LIỆU

Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã hình thành 3 không gian DL độc đáo, gồm: Không gian DL đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm DL thương mại, nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm DL văn hóa, sinh thái và tâm linh. Tiếp đến là không gian DL đồi núi đất phía Tây (huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cùng các sản phẩm DL sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng. Riêng không gian DL đồi núi đá phía Bắc trải dài 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển DL trọng điểm của tỉnh, được quy hoạch xây dựng để trở thành khu DL quốc gia; nơi đây gắn liền với sản phẩm DL sinh thái, văn hóa và thể thao mạo hiểm.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục DL): Hà Giang được du khách biết đến với nhiều tài nguyên DL tự nhiên hấp dẫn, như: CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế… Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ các chính sách phát triển DL một cách hiệu quả, Hà Giang đã trở thành một trong những địa phương phát triển DL cộng đồng nổi bật nhất cả nước, cung cấp nhiều trải nghiệm, khám phá về văn hóa và cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, thu hút nhiều khách DL trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều khu DL, điểm DL đã và đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, thu hút du khách tìm về, như: Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village và Làng Văn hóa LD Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); Làng Văn hóa DL Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Dao Đỏ hay Làng Văn hóa DL Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn) gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Mông…

Nói về ẩm thực Hà Giang khi trải nghiệm các không gian DL, du khách Trần Nữ Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ: Đồng bào vùng cao thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, lá chuối, bếp than củi… để nấu món ăn. Tận dụng nguyên liệu từ rừng cũng là một cách đặc biệt để tạo nên hương vị riêng biệt, hấp dẫn cho món ăn. Trong đó, Mèn mén, Thắng cố, cháo Ấu tẩu, bánh Chưng gù… không chỉ hấp dẫn du khách mà còn mang đậm tinh hoa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Đặc biệt, 2 món ăn như cháo Ấu tẩu, Mèn mén đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi danh trong top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam; 2 sản phẩm mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì nằm trong top 100 sản phẩm quà tặng đặc sắc ở Việt Nam.

Đặc sắc di sản văn hóa 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 Làng văn hóa DL cộng đồng gắn với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Giấy, Bố Y, La Chí. Toàn tỉnh có hơn 50 lễ hội truyền thống, lưu giữ phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc, như: Cúng Thần rừng của đồng bào Pu Péo, Gầu Tào của người Mông, cấp Sắc của người Dao, Lồng Tồng của người Tày, lễ hội mừng cơm mới của người La Chí… Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, đặc trưng được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, như: Lễ hội Khèn Mông, chợ Phong lưu Khâu Vai hay lễ hội Hoa Tam giác mạch…

Với quan điểm xuyên suốt: Lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH), hình thành sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Các giá trị văn hóa truyền thống như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian... được bảo tồn và phát huy. Hiện, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận (Bia đá chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm và đôi Trống đồng Lô Lô); 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó, có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh); 22 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, DSVH thực hành Then Tày được UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại; CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được các cấp, ngành quan tâm, có 29/61 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; 34 DSVH phi vật thể được đầu tư phục dựng…

Với sự độc đáo, riêng có, Hà Giang đã trở thành điểm đến hút khách trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch toàn cầu Covid-19 nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, DL Hà Giang nhanh chóng phục hồi, đón 1,5 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, mang lại doanh thu 2.475 tỷ đồng, tạo ra 12.000 việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, Hà Giang còn là 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam do Hãng truyền thông Quốc tế CNN bình chọn đầu năm 2021.

BHG

Tin khác

Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh và CLB Xe bus yêu thương kết nối ủng hộ công tác phòng chống dịch (01/12/2021 14:58)

Hà Giang có một tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh "Không gian Di sản văn hóa Việt Nam" (01/12/2021 14:48)

Năng động phát huy công nghệ số, quảng bá lễ hội hoa tam giác mạch để đón du khách trở lại (27/11/2021 14:50)

Chương trình công chiếu Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VII bắt đầu từ 20 giờ, ngày 27.11. (26/11/2021 20:30)

Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng Cụm thi đua các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2021 (18/11/2021 22:29)

Thông báo về việc Công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (30/08/2021 18:04)

Độc đáo khu nghỉ dưỡng hình quẩy tấu (14/06/2021 09:01)

Kinh nghiệm phát triển du lịch nội địa của tỉnh Hà Giang (31/03/2021 09:49)

Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại thành phố Hà Nội (24/12/2020 10:43)

Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn năm 2020 (01/12/2020 10:30)

xem tiếp