Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Văn hóa lễ hội

Gửi Email In trang Lưu
Lễ hội Cầu trăng: Nét văn hóa đặc sắc của tộc người Ngạn

22/11/2014 19:22

Trên địa bàn Bắc Quang, tộc người Ngạn sinh sống tập trung chủ yếu ở thôn Lâm (xã Vô Điếm) với 131 hộ, 556 khẩu; có trên 100 khẩu sống rải rác tại các thôn khác.

heo các tài liệu được công bố, người Ngạn không phải là tộc người bản địa. Khi di cư đến Việt Nam họ được những cư dân thổ nhường cho đất đai để cư trú sinh sống và phát triển cho đến nay. Người Ngạn từ trước tới nay vẫn được xem là một nhánh của tộc người Tày, gọi là Tày Ngạn, về ngôn ngữ, tiếng nói có nhiều điểm gần gũi với tiếng Tày, họ có thể giao tiếp bình thường với người Tày, người Nùng và cả người Giấy. Trong đời sống vật chất và tinh thần của người Ngạn cũng mang nhiều nét văn hoá gần gũi tương đồng với người Tày. Người Ngạn tại thôn Lâm, xã Vô Điếm sống khá tập trung; nhà ở của họ chủ yếu là nhà sàn và nhà đất. Cộng đồng người Ngạn tại thôn Lâm, xã Vô Điếm có vốn nghệ thuật dân gian tương đối phong phú và đa dạng. Ngoài các câu truyện kể dân gian truyền miệng, các làn điệu lướn, đối đáp, giao duyên được diễn trình trong những ngày hội, đám cưới, lễ tết thì các bài ca nghi lễ cúng tế cũng được coi là rất phong phú như các bài “Cuốc pháng; Nào hơn háu; Mổ pẩu hựn tàng; Cuộc hơn, cuộc trì; Mổ tạp thổ cỏong; Mổ Lùng Hai...”.

Về tín ngưỡng, tộc người Ngạn thờ cúng tổ tiên và các vị thần che chở cho gia đình, cho bản làng; gia đình nào cũng có bàn thờ Bà Mụ, thờ vua bếp, thờ thần tài, thờ thổ công... Đặc biệt, Lễ hội Cầu trăng là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của tộc người Ngạn. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng 01 âm lịch (Rằm tháng Giêng); toàn thể con, cháu cùng đến đền thờ cầu trăng, cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tốt, con cháu ngoan khoẻ mạnh, người già khoẻ trường thọ. Đặc biệt trong bài ca cúng tế thần mặt trăng có bài “Mổ Lùng Hai” hay còn gọi là (Nàng Hai) với nội dung là mời thần mặt trăng xuống trần gian để bà con được trình bày về những việc đã làm trong năm, những diễn biến của thiên nhiên đối với đời sống lao động sản xuất của họ, đồng thời bày tỏ tâm tư nguyện vọng với “Nàng Hai” cầu xin cho mưa thuận, gió hòa; xua đuổi thú giữ phá phách, nhốt chặt những con sâu, con bọ có hại, xin tiếp những hạt giống tốt để mùa màng trong năm tới tiếp tục được bội thu; người người xin tránh được những tai ương bệnh tật, giải trừ được những nỗi oan ức, uẩn khúc trong cộng đồng. Đồng thời thông qua các bài ca nghi lễ – Nghệ nhân thay mặt nhân dân trong thôn hỏi Nàng Hai về những biến cố trong năm tới có thể xảy ra để cùng nhau biết trước có biện pháp đề phòng, đảm bảo cuộc sống. Thần Mặt trăng xuống trần gian theo lời mời của nghệ nhân và nhập vào Nàng Chổi (còn gọi là Nhù Quét) để nghe sự dãi bày. Khi thần mặt trăng nhập vào Nàng Hai trên giàn cúng, nếu gia đình nhà ai trong thôn có hiện tượng bị mất trộm, mất cắp lớn mà muốn tìm lại thì Nàng Chổi sẽ chỉ hướng và giúp tìm lại được...

Lễ hội Cầu Trăng là phần nghi lễ rất độc đáo, có tính hướng thiện và tính giáo dục rất cao trong cộng đồng người Ngạn. Trước nguy cơ mai một, thất truyền những nét văn hóa độc đáo của tộc người Ngạn, trong đó có Lễ hội Cầu trăng, năm 2007, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với xã Vô Điếm tổ chức phục dựng Lễ hội Cầu trăng. Trên cơ sở khảo sát, sưu tập, phục dựng được, năm 2014 và những năm tiếp theo với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức cá nhân; hằng năm, tộc người Ngạn ở xã Vô Điếm sẽ duy trì tổ chức Lễ hội Cầu trăng để bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo. Được biết, trong thời gian tới UBND huyện Bắc Quang sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với xã Vô Điếm hoàn tất hồ sơ trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh công nhận Lễ hội Cầu trăng của tộc người Ngạn (xã Vô Điếm) là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.

Nguyễn Doãn Thiện (Văn phòng HĐND - UBND huyện Bắc Quang)

Tin khác

Lễ hội cầu Trăng của người Tày ở Hà Giang (12/11/2014 15:49)

Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô ở Hà Giang (12/11/2014 15:45)

"Kéo chày"- lễ hội độc đáo của dân tộc Pà Thẻn (12/11/2014 15:31)

Lễ cúng Thần Rừng của dân tộc Pu Péo Hà Giang (12/11/2014 15:28)

Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô Tỉnh Hà Giang (12/11/2014 15:25)

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (21/10/2014 18:30)

Nghi lễ Cấp sắc (21/10/2014 18:29)

Lễ hội Lồng Tồng (26/09/2014 16:29)

Lễ hội Gầu Tào (26/09/2014 16:21)

Chợ tình Khâu Vai (26/09/2014 16:18)

xem tiếp