Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa lễ hội

Gửi Email In trang Lưu
Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô ở Hà Giang

12/11/2014 15:45

Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến của các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Đồng bào thành tâm cầu khấn với niềm tin sâu sắc trời sẽ ban cho những hạt mưa tưới đẫm các cánh đồng để no ấm, thịnh vượng luôn ngự trị trên các bản làng của người Lô Lô.

Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô ở Hà Giang (nguồn ảnh: dulichvietnam.org)

Trải từ xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) - nơi có cột cờ thiêng liêng khẳng định chủ quyền quốc gia, với lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 m2, biểu trưng cho 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh núi Rồng - sang tới xã biên giới Xín Cái (huyện Mèo Vạc) là các bản làng của gần 1.200 đồng bào dân tộc Lô Lô. Người Lô Lô có mặt rất sớm trên dải biên cương phía Bắc Hà Giang. Cũng như các dân tộc thiểu số khác, người Lô Lô chủ yếu là ruộng nước và nương định canh với các cây trồng chính là lúa nếp, lúa tẻ và ngô. Sinh sống trên núi cao và chủ yếu dựa vào nguồn lợi do sản xuất nông nghiệp mang lại nên người Lô Lô rất coi trọng nguồn nước. Hàng năm, đồng bào thường tổ chức Lễ Cầu mưa với ước ao trời ban cho mưa thuận gió hoà để cây cối tốt tươi, dân bản được mùa, đời đời no ấm.
 


(Thiếu nữ dân tộc Lô Lô)

Nơi hành lễ là khu sân rộng giữa bản. Đồ tế lễ trong lễ Cầu mưa phải có rượu ngô - một loại đặc sản của người dân vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, chó, gà và một thanh kiếm (bằng sắt hoặc gỗ), một bát nước, 4 chén rượu, 4 ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời. Một vật nữa không thể thiếu trong tất cả các cuộc tế lễ của đồng bào Lô Lô, đó là trống đồng - một báu vật linh thiêng của cha ông để lại. Đồ tế được bày trong một cái mẹt, sau đó thầy mo bắt đầu hành lễ. Tay phải thầy mo cầm kiếm nâng lên, hạ xuống theo nhịp khấn, tay trái đánh trống đồng, miệng lầm rầm cầu khấn thần Kết Dơ – là hai vị thần đứng đầu cai quản trời đất. Lời văn khấn có nội dung cầu thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm. Nghi lễ cúng kết thúc, chuyển sang phần hội, dân bản tập trung quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca độc đáo của người Lô Lô như Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua… được cất lên ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi. Lớp người già say sưa nói chuyện nhà, chuyện trồng cây, cấy lúa, tra ngô, chọn rể, cưới dâu. Đám thanh niên tranh thủ tìm người yêu qua câu hát giao duyên, trong dặt dìu tiếng sáo Cờ lé, sáo Đôi như muốn khoe tài năng cùng các cô gái đẹp như những bông hoa rừng, xúng xính trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ. Trang phục của các thiếu nữ người Lô Lô rất độc đáo với áo cổ vuông, tay áo được ghép bằng nhiều mảnh vải màu khác nhau, váy dài có thêu xanh, đỏ, vàng trên nền vải chàm xanh, dây lưng thêu hoa có tua rua sặc sỡ. Kết hợp với bộ trang phục truyền thống là những chiếc vòng cổ, vòng tay bằng bạc lóng lánh.

Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô nằm trong chuỗi các hoạt động lễ hội tín ngưỡng của cộng đồng 21 dân tộc anh em hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 – khóa VIII, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin khác

"Kéo chày"- lễ hội độc đáo của dân tộc Pà Thẻn (12/11/2014 15:31)

Lễ cúng Thần Rừng của dân tộc Pu Péo Hà Giang (12/11/2014 15:28)

Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô Tỉnh Hà Giang (12/11/2014 15:25)

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (21/10/2014 18:30)

Nghi lễ Cấp sắc (21/10/2014 18:29)

Lễ hội Lồng Tồng (26/09/2014 16:29)

Lễ hội Gầu Tào (26/09/2014 16:21)

Chợ tình Khâu Vai (26/09/2014 16:18)

Lễ cúng Thần rừng của người Nùng Hoàng Su Phì (26/09/2014 16:13)

xem tiếp