Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Du lịch

Gửi Email In trang Lưu
Cuối Thu trên xứ sở ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

14/10/2015 08:08

Dừng chân trên Cổng trời Một, tôi tưởng mình lạc vào miền cổ tích của xứ sở ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Choáng ngợp trước bức họa thiên nhiên kỳ vĩ của núi rừng, của ruộng bậc thang là những đoàn khách đến Hoàng Su Phì trong dịp cuối Thu....

Ruộng bậc thang xã Nậm Ty.

Mây lang thang dưới nắng Thu vàng... là hình ảnh đặc trưng nhất ở Hoàng Su Phì mùa này. Mây trắng bồng bềnh, trôi nghiêng theo từng dải ruộng lúa chín vàng. Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì có thửa chỉ rộng đủ đường bừa cho con trâu kéo. Ruộng nối ruộng, nối liền với mây cứ vắt theo lưng núi, quấn vào nhau, chạy mãi về phía chân trời. Ai đã làm nên những dải đất chứa “đầy vàng” ấy? Kỳ quan ấy, ai là những chủ nhân dệt nên và có từ mấy trăm năm? Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, Hoàng Hải Lý, cho biết: Đánh giá của các nhà nghiên cứu dân gian khẳng định, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có lịch sử hình thành cách đây từ 200 – 300 năm tuổi. Đó là thời di thực của các tộc người: Dao, La Chí, Phù Lá, Tày, Nùng, Mông, Pu Péo... Tiền sử đã có những cuộc cách mạng phá núi, bạt đồi, phá đá khai khẩn ruộng bậc thang để trồng bắp, tỉa lúa. Thời gian trôi theo thời gian, hàng triệu triệu mét khối đất đá, hàng triệu triệu công sức, bao trí tuệ được “tích tụ” lại tạo nên ruộng bậc thang ngày nay. Ghi nhận kỳ tích đó, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là danh thắng Di sản Quốc gia.

Mới đây, trong Lễ hội Ruộng bậc thang năm 2015; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch lại đưa danh thắng này vào danh mục xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, được bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau. Theo con số thống kê, Hoàng Su Phì có trên 3.600 ha ruộng bậc thang trải dài trên 25 xã, thị trấn. Trong đó, trên 760 ha ruộng bậc thang của 6 xã (chiếm 1/6 tổng diện tích ruộng bậc thang toàn huyện) được xếp hạng vùng danh thắng Quốc gia. Đã cuối Thu nhưng rất đông khách muôn phương đổ về “miền thông reo” để chiêm nghiệm thành quả lao động của đồng bào bản địa. Các xã: Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Bản Péo, Bản Nhùng, Sán Sả Hồ... Mỗi ngày có hàng trăm du khách đến thăm ruộng lúa khi mùa vàng và khám phá các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Lễ hội Cơm mới của người Mông, Dao, La Chí; Lễ hội Nhảy lửa, Cầu mùa của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu; Lễ hội Khu Kù Tê khẳng định ý chí con người khai sơn, phá thạch của dân tộc La Chí, xã Bản Máy, Bản Phùng... Nhiều người đã thốt lên, Hoàng Su Phì là “một kho di sản văn hóa tộc người đầy sức hấp dẫn”. Du khách cho rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào danh mục vùng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là việc làm cần thiết. Và cần quảng bá như một “điểm đến toàn cầu”. Một khách du lịch đến từ Hà Nội nhận xét: Chúng tôi “xin nghiêng mình” trước rừng, trước ruộng, trước thành quả lao động của người dân nơi này. Cho rằng, 760 ha ruộng bậc thang của 6 xã được công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia là... hơi “thiếu” công bằng. Bởi lẽ, Hoàng Su Phì có 25 xã, thị trấn thì cả 25 xã, thị trấn trên đều nằm trên “mặt phẳng nghiêng” của dãy Tây Côn Lĩnh. Cả dãy Tây Côn Lĩnh “đều đổ nghiêng” theo hướng Tây Bắc - Đông Nam trong mái nhà hình chữ S. Và tất cả số diện tích ruộng bậc thang trên 3.600 ha đều được đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì miệt mài làm, miệt mài gọt giũa qua vài trăm năm mới tạo thành ruộng bậc thang. Để hôm nay, đồng bào nơi đây lại mở lòng đón khách trên các thửa ruộng bậc thang ngập tràn sắc vàng của lúa chín, ngập tràn lễ hội dân gian.

Được mùa lúa ở xã Tụ Nhân.

Được mùa lúa ở xã Tụ Nhân

Theo đánh giá của Phòng VHTT & DL huyện, từ đầu mùa Thu đến nay đã có trên 6.150 lượt khách du lịch đến Hoàng Su Phì. Trong đó, lượng khách nước ngoài 1.720 lượt. Nhiều lần chính quyền các cấp đã phải mở cửa công sở làm việc để đón khách nghỉ lại qua đêm. Rất rất nhiều gia đình địa phương đã rộng lòng đón khách về nghỉ tại nhà, ăn ở cùng gia đình trong các dịp lễ hội. Sự thân thiện, lòng hiếu khách đã làm cho Hoàng Su Phì ngày trở nên giàu có. Mới đây nhất, có những ngày Hoàng Su Phì đón tiếp cùng lúc gần 20 đoàn du khách từ các nơi đến thăm. Phó Chủ tịch UBND huyện Lù Văn Chung - cho biết: Huyện đã xây dựng thêm 3 điểm đón chân du khách khám phá Hoàng Su Phì là: Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc. Kết hợp phát triển kinh tế, phục dựng nét đẹp truyền thống đang là cách làm mới ở Hoàng Su Phì. Đồng thời, UBND huyện vừa kết hợp với tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) kết nối, nghiên cứu, xây dựng hệ thống du lịch cộng đồng.

Tin tưởng, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của đồng bào địa phương và sự giúp đỡ của Helvetas, thời gian không xa nữa “mùa vàng” du lịch Hoàng Su Phì sẽ trở thành ngành “Công nghiệp không khói” quan trọng.Chiều tà, từng vạt lúa vàng “đổ” trên vùng rừng xanh trải dài theo dòng sông Chảy. Núp dưới màu xanh tán rừng, từng đám khói lam lan tỏa. Hương Cốm thơm ngậy, chén rượu nồng, điệu múa xòe và ánh lửa bập bùng trong bếp nhà ai...!

Baohagiang.vn

Tin khác

Tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, giai đoạn 2009 – 2015, phương hướng giai đoạn 2015 – 2020 (11/10/2015 14:21)

Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (22/09/2015 10:44)

Triển khai lớp tập huấn Nghiệp vụ kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân (25/08/2015 14:44)

Hội nghị triển khai chương trình Du lịch qua miền di sản Việt Bắc lần thứ VII – Hà Giang 2015 (25/08/2015 11:12)

Đại hội Hiệp hội du lịch Hà Giang lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 – 2020 (24/08/2015 18:09)

Mèo Vạc: Khảo sát địa điểm trồng hoa Tam giác mạch (18/08/2015 16:03)

Họp triển khai kế hoạch lễ hội hoa tam giác mạch (07/08/2015 10:06)

Tổ chức học tập kinh nghiệm phát triển du lịch từ Quảng Nam, Ninh Bình (23/07/2015 16:41)

Bế giảng khóa tập huấn về vận hành Trung tâm thông tin Du lịch do Dự án EU tổ chức (17/07/2015 17:37)

Lễ ra mắt Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Thanh Sơn (10/07/2015 16:18)

xem tiếp