Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa

Gửi Email In trang Lưu
Đặc trưng văn hóa truyền thống người Pu Péo ở Hà Giang

05/08/2016 10:16

Người Pu Péo được xếp vào nhóm ngôn ngữ Ka-Đai. Tộc danh chính thức PuPéo xuất phát từ cách đồng bào tự gọi mình là Ka Béo, Qabèo hay Han Beo v.v... Trong các tài liệu dân tộc học trước đây còn có nhiều cách ghi tên gọi khác như Pen ti, Pen ti LôLô, Ka Beo và Pu Péo. Người Pu Péo có mặt tại Việt Nam cách nay khoảng 300 năm và có liên hệ thân thuộc với những người đồng tộc thuộc châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dân tộc Pu Péo là một trong những dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang, tính đến năm 2015, người Pu Péo ở Hà Giang có 663 người.

Thiếu nữ dân tộc Pu Péo

Từ lâu người ta đã xác định rằng người PuPéo là một trong những cư dân lâu đời có mặt tại Hà Giang. Những địa điểm mà người PuPéo sinh sống như ở các xã Phố Là, Phố Bảng thuộc huyện Đồng Văn hay xã Sủng Tráng, huyện Yên Minh là những nơi có địa hình hiểm trở chủ yếu là núi đá, cao và dốc, khí hậu manh tính á nhiệt đới. Chính đặc điểm điều kiện tự nhiên này đã khiến người PuPéo được biết đến như là những cư dân nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm và làm thủ công nghiệp gia đình tự cấp, tự túc. Do điều kiện diện tích đất gieo trồng thấp nên đòi hỏi phải có những biện pháp kỹ thuật để tăng hiệu suất canh tác. Chính điều đó đã khiến cho người PuPéo được biết đến như những người giỏi kỹ thuật canh nông. Bộ nông cụ họ dùng là các loại cuốc, mai, dao phát để khai khẩn. Cây trồng chính của người PuPéo là lúa, ngô, tam giác mạch, ngoài ra còn trồng xen kẽ bầu, bí, rau, đậu... Những vật nuôi thường thấy là trâu, ngựa, lợn, gà. Các loại gia súc lớn như trâu, ngựa có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sức kéo  phục vụ cho sản xuất, vận chuyển và  được coi là nguồn tài sản lớn, là vốn tích luỹ của đồng bào. Từ quan niệm người chết vẫn sống ở thế giới khác mà người Pu Péo thường chia trâu cho người chết để họ còn có trâu cày ruộng ở thế giới bên kia.

Ngành nghề thủ công của người PuPéo cũng rất phát triển như nghề dệt, nghề làm đồ gỗ, mây tre đan, làm gạch ngói...Đồng bào có thể trồng bông, dệt vải tự túc vải mặc. Các loại sản phẩm vật dụng của người Pu Péo đều làm bằng gỗ; các loại vật dụng thông thường bằng mây tre và đặc điểm là chỉ chú trọng đến công dụng thực tế mà ít quan tâm đến thẩm mỹ.      

 Thức ăn của người Pu Péo là các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Lương thực chính là  cơm gạo và mèn mén làm từ bột ngô đồ như những tộc người vùng cao khác. Nhà thường nằm ở dưới chân đồi, tựa lưng vào rừng và nhìn ra ruộng. Hướng nhà được coi là tốt nhất là hướng nam và đông nam.  Kiểu nhà đất trình tường có từ 3 gian đến 5 gian không cố định, không có chái nhà. Vị trí gian chính chủ yếu dùng để tiếp khách hoặc thờ cúng ngành nghề, Gian để thờ gia tiên bố trí riêng và thường theo hướng mặt trời mọc. Nhà thường chỉ có một cửa chính và một cửa phụ bên gian bếp. Cửa sổ thường được bố trí ở gác bên trên. Gác trên là kho chứa lương thực dự trữ và thường dành ra một chỗ dành cho khách ngủ lại qua đêm. Trong nhà người PuPéo thường có hai bếp. Một bếp để thờ cúng tổ tiên gọi là bếp thiêng. Bếp thiêng có kiềng trên đặt một ấm đồng, đun nước dùng để cúng. Bếp này được bố trí một gian riêng bên phía Đông và mỗi ngày phải nổi lửa một lần. Một bếp thứ hai là bếp nấu ăn được bố trí bên phía Tây.

Trang phục nam PuPéo là chiếc quần chân què lá toạ, đũng và ống đều rộng; áo cánh, cổ đứng, nẹp thường, sẻ tà, không có túi ngoài, chỉ có một túi nhỏ bên trong ngực, cúc áo cài khuy bấm bằng vải, hàng cúc được sẻ chéo từ cổ sang nách phải. Phụ nữ Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen có gấu xoè rộng (nhưng không xếp nếp) và thường được trang trí bằng các miếng vải nhiều màu sắc cắt hoa văn hình học. Đi kèm với váy là hai chiếc áo gồm: áo ngắn bên trong có nách xẻ, cài khuy bên nách phải. Chiếc áo ngoài dài hơn, xẻ ngực, không có cổ và khuy cài. Vạt áo được buộc lại với nhau bằng dây vải dính ở hò chiếc áo. Các thiếu nữ PuPéo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn. Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên, sống lược gọt cong hình hai chiếc sừng; ngoài ra họ còn đội khăn trong những dịp lễ tết hay tiếp khách, chiếc khăn này cũng mang những hoa văn hình học nhiều màu sắc xếp liền nhau. Đồ trang sức của phụ nữ PuPéo gồm có nhiều loại vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn. Bình thường nam giới không mang trang sức, nhưng trong những ngày họ có đeo vòng tay hoặc vòng cổ. Đặc biệt, người PuPéo được biết đến như là chủ nhân của những chiếc trống đồng cổ xưa mà đã từng được sưu tập tại các nhà bảo tàng của Trung ương và của tỉnh.

Người PuPéo không có làng xóm láng riềng; họ cư trú xen kẽ và quan hệ gần gũi với các tộc người khác và có thể nói rằng họ luôn phụ thuộc vào những tộc người có số dân đông hơn. Mặc dù đã định cư từ lâu đời nhưng làng bản thường phân tán và có qui mô nhỏ từ 4-6 hộ. Tuy nhiên tính chất dòng họ lại trở nên nổi bật. Đó là một tổ chức tông tộc truyền thống, lấy huyết thống dòng cha làm cơ sở kết nối và có nhiều ý nghĩa tâm thức.

Mô hình gia đình PuPéo là gia đình nhỏ phụ quyền, một vợ một chồng, hình thành trên nguyên tắc “ngoại hôn - nội tộc”(ngoại hôn dòng họ – nội hôn tộc người). Trong gia đình thường tồn tại 2- 3 thế hệ, người cha là người đứng đầu, làm trụ cột, quyết định những việc quan trọng trong nhà như dựng nhà mới, di chuyển nơi ở, chọn đất làm ruộng nương, dựng vợ gả chồng cho con cái, tổ chức lễ tết, cúng bái... Việc sinh nở  được coi là một việc hệ trọng của gia đình, dòng họ nên người phụ nữ  được chăm sóc từ khi mang thai đến lúc sinh con. Họ phải kiêng kỵ nhiều thứ như không làm việc nặng. Sau khi sinh được ba ngày đối với con gái, năm ngày đối với con trai sẽ tiến hành đặt tên cho đứa trẻ. Đây là tên xương là tên cha mẹ đặt cho, được dùng trong gia đình, không trùng với tên người trong họ. Phân biệt với tên chữ, theo tiếng Hán được đặt khi đứa bé được 13 tuổi là sự kết hợp giữa phụ danh của dòng họ với tên riêng.

Lễ cưới PuPéo được tiến hành qua nhiều bước như thăm dâu, dạm hỏi, xin dâu, đón dâu và lễ lại mặt. Ngày cưới là một ngày lễ trọng, nên cô dâu, chú rể  đều mặc trang phục truyền thống. Sau khi cưới ba ngày, cô dâu, chú rể mang theo cơm xôi, thịt trở về bên ngoại làm lễ lại mặt. Lễ lại mặt còn diễn ra sau đó vào các dịp 7 ngày sau khi cưới, 13 ngày và một tháng. Khi trong nhà có người thân mất thì người ta thường đặt nghiêng các hũ thờ, tắt bếp trên lò và kê đá làm bếp nấu cơm ở nửa trước của gian giữa. Quan tài được đặt ở nửa sau gian giữa. Người ta cúng tế cho người chết kèm theo nhiều bài cúng kể lại các truyền thuyết lịch sử của  cộng đồng.  Phần mộ người chết thường được đặt trên rừng. Huyệt đào nông và chỉ được đào khi quan tài đã được khiêng tới cửa rừng. Con cái để tang 3 năm, trong thời gian để tang không được cưới xin. Ngoài đám ma trên đây, người PuPéo còn làm ma khô. Lễ thức này có thể làm ngay sau vài ngày nhưng thường thì sau vài năm.

Ngưới PuPéo không theo một tôn giáo nào mà chỉ có bàn thờ tổ tiên. Thế giới đối với họ chia ra 3 tầng: Trên cùng là tầng trời, thế giới của các thần linh và những người trời, có mặt đỏ và đeo dao gỗ ở cổ; Tầng thứ hai ở giữa là tầng của loài người chúng ta; Dưới đất là tầng của loại người nhỏ bé chỉ bằng ngón tay và thường đeo dao ở khoeo chân.      Trên bàn thờ người PuPéo là những hũ nhỏ thờ tổ tiên trong phạm vi ba đời gồm đời các cụ, đời ông bà, đời cha mẹ, mỗi hũ tượng trưng cho một đời. Các ngày lễ tết của người PuPéo cũng là các ngày lễ tết của các tộc người khác trong vùng. Riêng Tết Nguyên đán còn có tục gói bánh chưng đen ăn vào tối 29 tết để tiễn năm cũ và bánh chưng trắng ăn vào tối 30 tết để mừng năm mới. Mồng một tết trai gái đi gánh “nước vàng nước bạc” để cầu may. Người PuPéo ở Phố Là còn có một lễ rất quan trọng đó là lễ cúng thần rừng vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch. Đây là một nghi lễ có ý nghĩa dâng tế của cộng đồng cảm ơn thần rừng đã phù hộ và che chở.

Đồng bào PuPéo đã lưu truyền lại một kho tàng chuyện cổ và dân ca với những truyền thuyết, cổ tích giàu tính hình tượng và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Kho tàng dân ca là một hệ thống những làn điệu hát trong rất nhiều sinh hoạt khác nhau như: Hát phong tục; Hát sinh hoạt; Hát tình yêu...biểu hiện những tâm hồn lãng mạn, giàu trí tưởng tượng nên thơ, bay bổng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Pu Péo đã tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, dân tộc Pu Péo ở Hà Giang là dân tộc ít người cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng khoảng cách phát triển, chênh lệch về chất lượng dân số, đặc biệt là mai một về bản sắc văn hóa... vì vậy cần có các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang.    

Nguyễn Thị Hoài

Tin khác

Thiên Hương - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn trên Cao nguyên đá (25/07/2016 07:46)

Lễ bàn giao một số sản phẩm văn hóa truyền thống tại thôn Nậm Lương huyện Quản Bạ (15/07/2016 10:37)

Tập huấn phương án thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (14/07/2016 09:02)

Hiệu quả từ mô hình hoạt động " Hội nghệ nhân dân gian" tỉnh Hà Giang (05/07/2016 10:05)

Về miền cực Bắc khám phá di sản văn hóa phi vật thể (05/07/2016 08:12)

Chương trình khóa học bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về “Phát triển và quản lý mạng lưới Công viên địa chất ở Việt Nam, cơ hội và thách thức” (22/06/2016 09:03)

Công tác tuyên truyền - một trong những yếu tố tạo nên thành công trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại Hà Giang (09/06/2016 08:52)

Tưng bừng Hội đua ngựa huyện Mèo Vạc lần thứ 3 (04/05/2016 09:42)

Mèo Vạc: Khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Lễ hội chợ tình Khâu Vai năm 2016 (01/05/2016 09:38)

Mèo Vạc: Đã sẵn sàng đón khách du lịch đến tham dự Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2016 (27/04/2016 09:33)

xem tiếp