Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa

Gửi Email In trang Lưu
Tập tục nhảy bói của người Dao áo dài Hà Giang

17/01/2018 09:51

Dân tộc Dao là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, được chia thành 02 nhóm phương ngữ khác nhau: Nhóm thứ nhất gồm có hai nhóm lớn là Dao Đại bản được chia thành các nhóm nhỏ như: Dao Đỏ, Dao Quần chẹt, Dao Thanh Phán) và Dao Tiểu bản hay còn gọi là Dao Tiền (Dao đeo tiền); Nhóm phương ngữ thứ hai gồm hai nhóm nhỏ là Dao Thanh Y và Dao Áo dài hay còn gọi là Dao Tuyển, Dao Chàm, Dao Slán Chỉ. Người Dao áo dài trên địa bàn tỉnh Hà Giang với tổng số dân là 112.158 người, phân bố 11/11 huyện, thị. Tập trung đông nhất tại huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang tiếp đến là Quang Bình, Hoàng Su Phì, Yên Minh và vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán cổ truyền, trong đó có Tập tục nhảy bói (hay còn gọi là lễ học bói).

“Tập tục nhảy bói” đã có từ xa xưa, từ khi có người Dao áo dài ra đời và xuất phát từ những hiện tượng sinh hoạt xã hội. Khi đó những người có nhu cầu học bói cần phải trải qua những thử thách để trở thành thầy bói. Là đào tạo những người chưa biết bói, học nhảy bói để đạt tới được một khả năng cao siêu - có thể giao tiếp bằng tri giác với một hệ thống thần ma để bói tìm nguyên nhân gây nên các sự việc bất thường hay ốm đau, bệnh tật của con người. Lễ học bói đồng thời còn là môi trường cho những người đã biết nhảy và biết bói ôn luyện để duy trì khả năng giao tiếp với các thần linh trong quan niệm tín ngưỡng của người Dao áo dài. “Tập tục nhảy bói thường được tổ chức từ tối 30 tết đến hết ngày mùng 5, trước đây có thể kéo dài đến 15 tết” Nhưng ở thôn 4 Nậm Ai, xã Nam Sơn, huyện Hoàng Su phì, tỉnh Hà Giang. Lễ học bói còn diễn ra vào tháng 10 âm lịch khi đã thu hoạch xong, nhàn rỗi họ lại cùng nhau đi học bói…Trước kia, lễ học bói diễn ra trong vài ba ngày khi tổ chức, nhưng hiện nay chỉ diễn ra trong một đêm. Địa điểm diễn ra lễ học bói là ở chính trong ngôi nhà của thầy dạy bói, tại nhà trưởng thôn hay nhà của ông già làng hoặc một nhà nào đó với điều kiện là nhà to, chắc và nằm ở trung tâm của làng.

Khi tổ chức Tập tục nhảy bói sẽ có những người đàn ông, con trai tập trung đến nhà thầy dạy bói, họ đều ngồi vây quanh gian giữa trước bàn thờ tổ tiên; ngoài cùng, ở 2 gian trái là phụ nữ, trẻ em, đang chờ đợi để xem nhảy bói. Khi đến mỗi người mang theo một bó hương, một ít giấy tiền âm phủ tiến vào phía trong rồi quỳ lạy ông Thầy dạy bói, rồi đưa hương, giấy để ông đặt lên bàn thờ. Ngoài hương, giấy, những người đến học bói còn mang theo một túi vải nhuộm chàm đựng gạo, rượu, một ít thức ăn có thể là rau, thịt, cá khô, trứng, …ngoài ra còn mang theo một ít tiền để đóng góp mua Lợn, Dê, Gà…, nhiều ít tùy theo điều kiện gia đình, để làm lễ vật dâng cúng và đưa cho vợ con thầy chuẩn bị bữa ăn cộng cảm sau khi kết thúc buổi học bói. Đến 7 giờ 30 tối ngày làm lễ thầy dạy bói đứng trước bàn thờ khấn báo các ma bàn thờ, ma nhà, ma tổ sư nghề bói và các ma sư phụ dạy bói, ma cấp sắc của ông về việc có những người học trò đến nhà tập nhảy bói và công việc dạy bói của mình vừa để báo cáo vừa để cầu xin các ma phù hộ cho người dạy cũng như người học thành công, không ai bị tai nạn hay gặp sự cố về sức khỏe... Khi Lời cúng vừa dứt cũng là lúc ông Thầy xoay tròn 3 vòng trước bàn thờ, tay cầm con rồng gỗ vừa lấy trên bàn thờ đập mạnh xuống sàn nhà làm lệnh. Tiếng cạch vang lên, ngay lập tức tất cả những người đàn ông, con trai vừa ngồi chung quanh bỗng dưng vùng dậy, co chân nhún xuống rồi bật cao rơi thình thịch xuống sàn nhà rồi nhún nhảy dần vào phía trong và dừng lại quỳ lạy trước bàn thờ. Lúc này ông Thầy cả cùng 2 thầy phụ đưa cho học trò, người que hương (đang cháy, vừa rút từ ống hương trên bàn thờ), người cái roi tre. Đến khi hầu hết mọi người đều có một cái gì đó trên tay, họ bắt đầu vùng lên chia thành nhiều vòng, tay cầm hương hoặc roi hướng lên trời, chân thả, chân co, nhảy quanh vòng ngoài gian giữa trước bàn thờ theo chiều kim đồng hồ. Không chỉ phát ra những tiếng động rầm rậm bởi những bước chân dậm xuống sàn nhà, họ còn liên tục hí vang như tiếng ngựa và phát ra những tiếng lai, lai, lai… (gọi ngựa), suỵt, suỵt… (đuổi ngựa). Thầy chính và 2 thầy phụ thi thoảng cũng nhảy theo một vài vòng, vừa nhảy họ vừa hát để kích động tinh thần các học trò hoặc đốt vài tờ giấy tiền âm phủ để soi đường, rồi trở lại đứng trước bàn thờ quan sát các học trò tập luyện. Các học trò Nhảy theo vòng khoảng 20 - 30 phút, tất cả những người học nhảy dừng lại nhảy tại chỗ nhưng hướng mặt về phía bàn thờ rồi dậm chân liên tục và vung tay, tung người lên cao, nhưng khi rơi tiếp sàn nhà thì sao cho đang ở tư thế của một người xếp chân bằng tròn, 2 tay nắm (như đang cầm cương và roi đánh ngựa) đặt lên 2 đầu gối, người liên tục rung rung, mắt nhắm, đầu lắc về 2 bên, Cứ như thế những người học bói tiếp tục nhảy theo vòng tròn trong một thời gian, sau đó lại dừng lại nhảy trước bàn thờ và tung người lên, ngã vật ra sàn nhà trong tư thế nằm ngửa, chân hướng về phía bàn thờ, liên tục giãy giụa, đập 2 gót chân, 2 tay xuống sàn … rồi lại nhảy, lại ngã, lại giãy giụa, nhưng ở những lần sau đó, họ nằm duỗi chân của mình về các hướng vuông góc, đối diện với bàn thờ rồi trở lại hướng bàn thờ thêm một lần nữa. Cứ như vậy sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, những người nhảy bói được các thầy cho nghỉ ngơi, uống nước hay hút thuốc hoặc ăn nhẹ để đảm bảo sắc khỏe, trong khoảng 20 - 30 phút rồi tiếp tục nhảy và thực hiện những động tác như lần trước nhưng lần nhảy này theo chiều ngược kim đồng hồ. Lúc đầu nhảy theo chiều kim đồng hồ, là biểu thị của một chuyến cưỡi ngựa đến thế giới của các thần ma, còn nhảy ngược chiều kim đồng hồ, là hành trình trở về thế giới của thực tại.

Trong lễ học bói, tuy có sự tham dự của các thành phần khác nhau, gồm: người học, người dạy, người ôn luyện, người phục vụ, người đến xem, nhưng giữa họ đều có một điểm chung là đã đến trường bói thì thân thể đều phải sạch sẽ. Nếu không, ma bói sẽ phật ý, không nhập, thậm chí còn gây ra tai nạn bằng cách làm cho những người nhảy bói đâm xầm vào nhau hay bị ngã đau, ngất xỉu...Còn đối với những người đang trong thời gian mang tang bố mẹ, muốn nhảy bói thì nhất thiết phải được thầy làm các nghi thức tháo tang và thu hồn gói vào tang phục rồi nhốt vào chiếc cối giã úp ngược và yểm lại, khi nào tập nhảy bói xong, thầy mới làm phép trả lại tang phục và hồn. Tham gia nhảy bói trong lễ học bói có cả những người chưa biết bói và cả những người đã biết bói, hay có người đã trở thành thầy bói đến đây luyện tập. Họ đi học nhảy bói với mong muốn sẽ được ma bói nhập vào thân. Với những người mới học nhảy bói lần đầu, trước tết, họ đến nhà thầy đặt vấn đề xin được học nhảy bói, đồng thời mang theo 1 đồng 8 bạc trắng, 1 con gà, 1 con lợn (không kể nhỏ to), 3 ống gạo, cùng vài bó hương, giấy tiền âm phủ để nhờ thầy làm lễ khấn báo, nhập tên với ma bói và các vị sư phụ dạy bói trước đây của người thầy.

Bài viết chưa có điều kiện mô tả, phân tích và lý giải đầy đủ, sâu sắc các khía cạnh của Tập tục nhảy bói, nhưng dù vậy có thể thấy: Tập tục nhảy của người Dao áo dài có cả người học, người dạy, có người ôn luyện nhảy bói mà với mục đích quan trọng nhất là đào tạo những người chưa biết bói học nhảy bói để đạt tới được một khả năng cao siêu - có thể giao tiếp bằng tri giác với một hệ thống thần ma để bói tìm nguyên nhân gây nên các sự việc bất thường hay ốm đau, bệnh tật của con người. Lễ học bói đồng thời còn là môi trường cho những người đã biết nhảy và bói ôn luyện để duy trì khả năng giao tiếp với các thần linh trong quan niệm tín ngưỡng của người Dao áo dài. Từ đó, có thể coi lễ học bói là một sinh hoạt cộng đồng đặc biệt với một hệ thống những tín niệm liên quan, là trường đào tạo thầy bói kiểu shaman giáo, là môi trường lưu giữ và truyền dạy một loại hình tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của người Dao áo dài.

Nguyễn Thị Lượng

Tin khác

Trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào dân tộc thiểu số (13/01/2018 19:29)

Giao lưu khiêu vũ nghệ thuật chào năm mới 2018 (02/01/2018 09:58)

Họp Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần II, năm 2018. (12/12/2017 10:03)

Xã Tân Bắc tổ chức Lễ hội nhảy lửa (06/12/2017 13:37)

Xã Tân Bắc tổ chức Lễ hội nhảy lửa (05/12/2017 10:03)

Giữ nghề thổ cẩm truyền thống dân tộc Dao ở Hồ Thầu (27/11/2017 08:20)

Đoàn nghệ thuật Hà Giang đoạt huy Vàng tại Liên hoa độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. (19/05/2017 08:30)

Triển lãm “Lực lượng vũ trang Hà Giang - 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành’’ (04/05/2017 09:00)

Đoàn Nghệ nhân dân gian tỉnh Hà Giang tham gia các hoạt động Chào mừng “ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Làng văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam Đồng Mô – Sơn Tây- Hà Nội (27/04/2017 09:01)

Hội nghị gặp mặt già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc (23/04/2017 07:53)

xem tiếp