Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa lễ hội

Gửi Email In trang Lưu
Lễ cúng Thần rừng của người Nùng Hoàng Su Phì

26/09/2014 16:13

Theo truyền thống của người Nùng ở Hoàng Su Phì, tại mỗi thôn bản bao giờ cũng có ít nhất một khu rừng được khoanh vùng để làm rừng cấm và lập miếu thờ của cộng đồng

Các thầy chủ tế dâng lễ vật lên Thần rừng.

Cứ đến tháng hai hoặc tháng tháng ba âm lịch hàng năm, người Nùng ở khắp các thôn bản trong huyện lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng rừng để tưởng nhớ vị thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng (tức Hoàng Văn Đồng, người được nhân dân tôn là Thần rừng) vì đã có công hy sinh cứu giúp dân làng chống giặc, đem lại cuộc sống yên bình cho các tộc họ người Nùng. Họ dâng lên Thần rừng những lễ vật và cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc của người Nùng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng, trước đó khoảng 1 ngày, các hộ gia đình trong toàn xã cử một người nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm để đóng góp với buổi lễ, việc đóng góp này là hoàn toàn do các gia đình tự nguyện nên không cần phải cân đong, đo đếm. Một nguyên tắc bất thành văn đó là chỉ có nam giới mới được tham dự và trong quá trình tổ chức nghi lễ thì tất cả mọi người đều không được nói tục chửi bậy hoặc đi vệ sinh tùy tiện. Trong các vật phẩm thì có một số lễ vật không thể thiếu được đó là: Một con trâu (cứ 3 năm thì cúng một lần), một con lợn từ 50 kg trở lên, 4 con gà trống, rượu và cơm xôi đỏ để làm lễ cúng. Ngoài ra, còn có hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó. Các lễ vật được bày trên 4 đàn lễ gồm: Đàn lễ cúng Hoàng Vần Thùng và 3 đàn lễ cúng các cận thần của Hoàng Vần Thùng là ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều. Sau khi tiến hành các nghi thức cúng mang tính bắt buộc như: Nhập đàn, cầu phúc, cầu lộc, nhận lễ sống, nhận lễ chín, tiễn Thần rừng xa giá về Cản Nhủng thì số lễ vật sẽ được dành một ít để chế biến làm đồ lễ và làm thức ăn sau khi tế lễ, số còn lại được chia đều thành các phần nhỏ cho mỗi gia đình một ít, sau khi nhận số thịt này, mọi người đem về làm lễ vật để tiếp tục cúng thần nông tại khoảng sân bằng ngay trước gian giữa của miếu thờ. Toàn bộ số lễ vật còn lại được chế biến và ăn uống ngay tại khu rừng cấm.
 
Theo đồng chí Trần Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện cho biết: Trong lễ thức cúng Thần rừng của dân tộc Nùng cũng như các bài cúng cho thấy ẩn chứa những di vết của việc thần thánh hóa các nhân vật lịch sử và được pha trộn giao thoa với tín ngưỡng nông nghiệp, canh tác nương rẫy của người dân bản địa. Thông qua Lễ cúng Thần rừng cũng làm cho nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ rừng và nguồn nước được tốt hơn. Bên cạnh đó xét về khía cạnh lịch sử thì Lễ cúng thần rừng chính là kho tài liệu quý báu về tinh thần gắn kết cộng đồng của các tộc họ người Nùng trước một thiên nhiên bao la rộng lớn mà cũng đầy rẫy những bất trắc khó khăn luôn rình rập.
 
Sau khi việc tế lễ kết thúc, các phụ lễ sẽ hoá vàng mã để các thần làm lộ phí. Trong số các lễ vật, thầy chủ tế và các bậc cao niên, các trưởng thôn trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép, còn toàn bộ số thịt sống được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người cùng hưởng thụ, riêng chiếc đầu trâu (nếu có) và chiếc thủ lợn thì để phần biếu thầy chủ tế. Điều đó thể hiện sự tôn kính của cộng đồng cũng như vai trò vị trí của thầy cúng trong đời sống xã hội của các tộc họ người Nùng. Từ những lễ thức độc đáo này cho ta thấy ẩn chứa sâu trong đó những di vết của tín ngưỡng nông nghiệp canh tác nương rẫy, rừng là mẹ nuôi sống con người thì con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ nó.
 
Cũng theo anh Nhân, cùng với việc lưu trữ những giá trị to lớn về tín ngưỡng, lịch sử, Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng còn mang nhiều giá trị về văn hoá bởi ngay sau khi tổ chức xong việc cúng tế thì các trò hội cũng được diễn ra, trong đó không thể thiếu được điệu múa ngựa - điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Nùng. Cùng với ý nghĩa muốn dâng lên Hoàng Vần Thùng những đồ dùng, dụng cụ và phương tiện sinh hoạt hàng ngày thì với những động tác uốn lượn mềm dẻo linh hoạt, hoà trong tiếng nhạc chuông rộn rã cho thấy sự điêu luyện trong nghệ thuật trình diễn và tính độc đáo của các đạo cụ của người Nùng. Qua đó, khiến cho lễ hội cúng rừng trở lên sinh động nhưng không kém phần huyền bí giữa một không gian chốn rừng thiêng mà hàng ngày vốn âm thầm tĩnh lặng.
 
Trước khi ra về, tất cả mọi người tham gia lễ cúng đều đến vái tạ trước bài vị Hoàng Vần Thùng để thể hiện sự tôn kính đối với những bậc tiền nhân. Những nét độc đáo trong nghi thức cúng Thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì đã thể hiện những nét văn hoá độc đáo riêng, tạo nên sự đa dạng trong kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng mà chúng ta cần phải giữ gìn.

Tiến Lâm