Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Điểm đến du lịch

Gửi Email In trang Lưu
Di tích Kỳ Đài

25/09/2014 15:50

Di tích Kỳ Đài nằm trên Quảng trường 26/3 thuộc phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 16.800 cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang 27/3/1961



Kỳ Đài là nơi ghi dấu lưu niệm sự kiện Bác Hồ thăm và nói chuyện với hơn 16.800 đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang vào ngày 27/3/1961. Trong dịp này Bác Hồ căn dặn nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang 8 nội dung chủ yếu sau:
 

Trước hết, tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà.
Hai là: Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất, và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người đều áo ấm cơm no.
Ba là: Muốn sản xuất tốt, phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ.
Bốn là: Cần phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… là nguồn lợi lớn, lại là nguồn phân bón cho ruộng nương.
Năm là: Khai thác lâm thổ sản, bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng, trồng cây ăn quả và cây làm thuốc.
Sáu là: Đồng bào phải chú ý vệ sinh, để giữ gìn sức khoẻ thì phải ăn uống sạch, mặc sạch, ở sạch. Sức khoẻ thì lao động sản xuất mới tốt.
Bảy là: Đồng bào phải cố gắng xoá nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ được.
Tám là: Đời sống của đồng bào rẻo cao còn có nhiều khó khăn, đồng bào các nơi khác, nhất là cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.
 

Lời căn dặn của Bác Hồ thấm sâu vào lòng nhân dân các dân tộc Hà Giang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang trong thời gian qua. Kỳ Đài được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1993. Ngày 30/3/2001 UBND tỉnh Hà Giang khởi công xây dựng Quảng trường và cụm tượng đài trước cửa Kỳ Đài lấy tên là Quảng trường 26/3. Quảng trường bao gồm toàn bộ phần sân vận động trước đây. Chính giữa quảng trường đặt nhóm tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang".

Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác, công ty Mỹ thuật Trung ương thi công. Công trình cao hơn 11m, gồm 200 khối đá, nặng 600 tấn. Hình tượng Bác Hồ đứng giữa nhóm 7 nhân vật, đứng nép âu yếm gần Bác là 2 em bé dân tộc Mông và Nùng. Đứng thấp hơn một chút là thiếu nữ dân tộc Kinh và Dao. Phía sau là hình tượng người chiến sỹ biên phòng và anh cán bộ người Tày, với ánh mắt rạng rỡ như muốn ghi lại từng lời dạy của Bác. Bố cục nhóm tượng hoà quyện với nhau, liên kết theo một sợi dây tình cảm xuyên suốt, sống động. Sự hình thành nhịp điệu đó chính là một sử lý sáng tạo có chủ đích mang tính biểu trưng của khối phụ trợ, đem lại cho người xem cảm giác về không gian hùng vĩ của núi rừng Hà Giang với tầng tầng mây bay lượn, hoà với lớp lớp ruộng bậc thang....

Với lợi thế tượng đài được đặt ở quảng trường, nên công trình có một không gian hoành tráng với chiều cảm thụ đa hướng, nhiều chiều. Đây là công trình văn hoá - nơi hội tụ của đông đảo người dân, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng của công trình và tiến hành các sinh hoạt cộng đồng. Kỳ Đài và quảng trường 26/3 trở thành nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước. Là địa điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng của nhân dân các dân tộc Hà Giang. 

Bùi Đức Tân - Phòng Di sản Văn hóa