Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Điểm đến du lịch

Gửi Email In trang Lưu
Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương

25/09/2014 17:13

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương (hay thường gọi là khu Nhà Vương) nằm ở khu trung tâm Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đường đến khu di tích này khá thuận lợi vì cách đường quốc lộ 4C khoảng 200m đường chim bay, cách thành phố Hà Giang 125km và huyện lỵ Đồng Văn 16km. Khu di tích nằm trong khu vực núi đá tai mèo, trên một địa bàn thế mai rùa giữa thung lũng Sà Phìn. Di tích được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1993.

Toàn cảnh khu di tích nhà Vương (Ảnh: Âu Văn Hợp)

Khu nhà Vương là một dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ Vương ở Đồng Văn. Chủ nhân của khu nhà này là ông Vương Chính Đức một thủ lĩnh người Mông quản lý vùng Đồng Văn (khi ấy bao gồm cả huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ ngày nay). Sau Cách mạng tháng 8/1945 Vương Chính Đức được giác ngộ cách mạng. Ông mất năm 1947 và trao quyền sở hữu cho người con trai là Vương Chí Sình (tức Vàng Seo Lử). Năm 1946, Vương Chí Sình được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được Bác Hồ quý trọng, nhận là anh em kết nghĩa và lấy tên là Vương Chí Thành. Năm 1945 Vương Chí Thành được bầu làm Chủ tịch ủy ban hành chính huyện Đồng Văn.

Khu Nhà Vương được xây dựng vào những năm đầu Thế kỷ XX, trên khu đất hình mai rùa. Đây là mảnh đất có địa thế đẹp. Giữa thung lũng có một vùng đất nổi lên hình mai rùa - đó là thần kim quy; phía trước trên có 2 ngọn núi: núi bên phải nhọn cao chọc trời, bên trái núi to ngang trời. Đằng sau là bức tường thành (dãy núi) vòng cung tạo cho dinh thự một hậu thế vững chắc. Đây là một mảnh đất ở của bậc anh kiệt, dựng cơ nghiệp trên đó thì sự nghiệp của họ Vương sẽ đời đời vững chãi, con cháu đời đời vinh danh. Vì thế Vương Chính Đức đã quyết định dựng dinh thự ở thung lũng này. Khu nhà Vương là một dinh thự kiêm pháo đài với lô cốt và tường thành hình tròn là một dạng kiến trúc hiếm gặp ở Việt Nam. Nó cũng là dinh cơ có quy mô kiến trúc đặc biệt trong số dinh cơ của các thủ lĩnh người dân tộc ở Việt Nam. Nó đại diện cho loại hình kiến trúc này ở nước ta. Tòa nhà chính được tổ hợp thành hình chữ mục, theo kiến trúc dinh thự Trung Hoa. Các kiến trúc được xây dựng bố cục hợp lý giữa các loại vật liệu gỗ, đá của công trình, đất chình tường, lợp ngói ống và ngói âm dương - nguồn vật liệu tại địa phương và từ Vân Nam Trung Quốc. Nhiều bộ phận và cấu kiện gỗ, đá của công trình được chạm khắc tinh xảo theo phong cách Hoa Nam. Công trình là tổ hợp giao thoa của nhiều nét văn hóa, nhiều phong cách kiến trúc, trong đó nổi lên là sự giao hòa kiến trúc Hoa Nam - Mông. Với những đặc điểm giá trị đó, công trình được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Tòa nhà chính bao gồm bốn nhà trên trục chính và sáu nhà ngang đều làm hai tầng với 64 buồng, diện tích sử dụng cả hai tầng khoảng gần 2.000m2.
Tường ngoài của các ngôi nhà làm bằng đất (theo địa phương gọi là chình tường), móng bằng đá (kiểu nhà của đồng bào Mông) bên trong lịa ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát gỗ. Cấu trúc ngôi nhà theo ba lớp cao dần từ ngoài vào trong (tiền dinh - trung dinh - hậu dinh) ở hai góc nhà trong cùng hậu dinh có hai lô cốt xây bằng đá rất chắc chắn bền vững. Xen kẽ giữa các lớp nhà là ba sân: sân tiền dinh, sân chính dinh và sân hậu dinh, cả ba sân đều được lát đá. Khu tiền dinh: Gồm một nhà ngang, hai nhà dọc quay mặt vào nhau và mặt trước của nhà ngang chính dinh (trung dinh) tạo ra một sân ở giữa 4 ngôi nhà. Khu tiền dinh là lớp thứ nhất đi vào dinh thự, cửa ra vào được thiết kế đồ sộ theo kiến trúc cổ, tạo sự uy nghi mang hình dáng chim đại bàng vỗ cánh (biểu thị uy quyền mạnh mẽ như đại bàng). Hai bên cửa có đôi câu đối: "Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập. Môn phong lưu quý khách vãng lai" Có nghĩa là "Nhà tích thiện hiền tài lui tới. Cửa phong lưu quý khách ra vào". Khu chính dinh (hay còn gọi là khu trung dinh): Đây là khu nhà được khởi công xây dựng trước tiên vào năm 1898. Khu chính dinh gồm 2 nhà dọc quay mặt vào nhau, một nhà ngang và mặt sau của nhà ngang tiền dinh tạo thành lớp thứ hai. ở giữa 4 ngôi nhà có sân lát đá. Đây là nơi làm việc, ăn ở của con cháu ông Vương Chí Thành và Vương Chí Tinh (cả hai ông đều là con trai của Vương Chính Đức). Khu chính dinh cũng là nơi tiếp khách trong dòng họ Vương đến thăm và nghỉ lại. Trước tòa nhà ngang có bức hoành phi, câu đối được khắc họa trên cột đá một cách tinh xảo. Nhà ngang là nơi để Vương Chính Đức và Vương Chí Sình tiếp đãi và nghỉ ngơi của khách sang trọng đến làm việc. Khu hậu dinh: Hậu dinh là nơi ở và làm việc của ông Vương Chính Đức và sau này là ông Vương Chí Thành (tức Vương Chí Sình), gồm hai nhà dọc nhà hậu dinh và mặt sau nhà ngang chính dinh, là lớp cuối cùng của dinh thự, giữa hậu dinh cũng là khoảng sân lát đá. Nhà ngang hậu dinh được xây dựng chắc chắn, tường phía sau xây bằng đá, có đặt những lỗ châu mai để quan sát bên ngoài. Hai đầu hồi hậu dinh có hai lô cốt được xây rất kiên cố gồm 4 tầng đều có lỗ châu mai vừa để quan sát, vừa để ứng phó khi có chiến sự xảy ra.

Tiền dinh, chính dinh và hậu dinh được bố cục kiến trúc rất chặt chẽ tạo thành một thể thống nhất. Nối liền các nhà ngang lại là các bậc đá tượng trưng cho chữ Vương với nhiều ý nghĩa khác nhau. Năm 2003 - 2005 khu di tích nhà Vương được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đầu tư tu bổ, tôn tạo toàn bộ tòa nhà chính, các hạng mục bị hư hỏng được bảo tồn, tu bổ phục vụ khách tham quan. Những năm gần đây khu di tích nhà Vương đã được khai thác phát huy hiệu quả và trở thành điểm nhấn trong tua du lịch của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, mỗi năm trung bình có hàng chục nghìn du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng di tích.

Bùi Đức Tân - Phòng Di sản Văn hóa

Tin khác

Bãi đá cổ Nấm Dẩn (25/09/2014 16:00)

Di tích Kỳ Đài (25/09/2014 15:50)

xem tiếp