Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Văn hóa

Gửi Email In trang Lưu
Thành quả từ công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

17/06/2018 10:02

Tỉnh ta hiện có 16 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) Quốc gia. Nhưng ít ai biết, trước thời khắc di sản VHPVT được tôn vinh thì một trong những hoạt động quan trọng góp phần tạo nên thành công này chính là công tác kiểm kê di sản.

Phụ nữ Mông thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) hát giao duyên qua ống hát trong Lễ hội Gầu tào.

 Với 19 dân tộc cùng sinh sống, tỉnh ta có vốn di sản VHPVT vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là các phong tục, tập quán đẹp, các làn điệu dân ca, dân vũ làm say lòng người; là lễ hội phong phú, sinh động, giàu giá trị nhân văn. Song, do nhiều nguyên nhân, không ít di sản VHPVT có nguy cơ mai một. Trước thực tế này, nhiều năm trở lại đây, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực thực hiện công tác kiểm kê di sản VHPVT. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn khảo sát, lựa chọn di sản VHPVT tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học đưa vào danh mục di sản VHPVT Quốc gia. Đồng thời, giao Bảo tàng tỉnh tiến hành kiểm kê, lập danh mục di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh.

Thực tiễn cho thấy, với di sản văn hóa vật thể như di tích, di vật, cổ vật, hoạt động kiểm kê dễ dàng có được số liệu, thậm chí nhận diện hiện trạng di sản nhờ vào các giác quan, bởi chúng là vật thể khối, ví như Di tích Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú hay Phố cổ Đồng Văn... Nhưng với di sản VHPVT thì khó có thể kiểm đếm chính xác, nhất là trong việc xác định những di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp. Bởi, di sản VHPVT là sản phẩm tinh thần (tiếng nói, chữ viết, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian…); có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác… Hơn nữa, kiểm kê di sản VHPVT không phải hoạt động đếm về mặt số lượng mà là nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, vai trò, ý nghĩa của di sản VHPVT trong đời sống đương đại. Và một trong những vấn đề then chốt của kiểm kê di sản VHPVT chính là xác định được các biện pháp bảo vệ hoặc bảo vệ khẩn cấp, đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển của di sản VHPVT.

Trong điều kiện tỉnh ta có địa hình trải rộng, nhiều làng bản với đồng bào dân tộc ở vùng cao hay vùng giáp biên; đội ngũ cán bộ, viên chức được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm về lĩnh vực di sản VHPVT còn mỏng nên việc kiểm kê di sản VHPVT gặp không ít khó khăn. Trong đó, các điểm kiểm kê di sản VHPVT tại 11/11 huyện, thành phố chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, địa hình núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Hơn nữa, những người am hiểu về phong tục, tập quán dân tộc không còn nhiều, một số khác không còn minh mẫn, trong khi thế hệ trẻ rất ít người am hiểu về văn hoá truyền thống của cộng đồng. Mặt khác, không ít nghệ nhân, người cao tuổi không nói được tiếng phổ thông nên quá trình khai thác thông tin về di sản gặp không ít khó khăn…

Khắc phục những trở ngại trên, Sở VHTT&DL cùng cơ quan chuyên môn đã tiến hành công tác kiểm kê di sản VHPVT tại 11/11 huyện, thành phố với 14/19 dân tộc như: Nùng, Tày, Pà Thẻn, Dao, Bố Y, Lô Lô, Mông... Thông qua kết quả kiểm kê, ngành đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn lựa chọn, xây dựng hồ sơ khoa học và được Bộ VHTT&DL đưa 16 di sản vào danh mục di sản VHPVT Quốc gia. Trong đó, năm 2012, tỉnh ta có 5 di sản VHPVT Quốc gia như: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô hay Lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông... Giai đoạn 2014 – 2016, tỉnh ta có thêm 9 di sản VHPVT và cuối tháng 1.2018, có thêm 2 di sản VHPVT Quốc gia là Dân ca của người Bố Y ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và Lễ Ra đồng (Pặt Oong) của người Pu Péo, xã Phố Là (Đồng Văn) thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nhìn chung, 16 di sản VHPVT đều phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của đồng bào các dân tộc được kế thừa qua nhiều thế hệ; có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng; có khả năng phục hồi và trường tồn theo thời gian. Đặc biệt, những di sản này được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ…                

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động kiểm kê di sản VHPVT, các cấp, ngành đã tìm được bản sắc và những giá trị kết tinh trong truyền thống văn hóa các dân tộc để tôn vinh, có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại. Trên cơ sở đó, góp phần đắc lực “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” và “xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII và Nghị quyết số 33 của BCH T.Ư Đảng.

BHG

Tin khác

Khai mạc lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản “Lễ hội năm mới” dân tộc Giáy (15/05/2018 08:53)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dựng cây nêu mở lễ hội Gầu Tào trong Ngày hội “Săc xuân trên mọi miền tổ quốc” (01/03/2018 09:19)

Mèo Vạc Khai mạc ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Lễ hội hoa Đào năm 2018 (22/02/2018 10:05)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (01/02/2018 14:26)

Tập tục nhảy bói của người Dao áo dài Hà Giang (17/01/2018 09:51)

Trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào dân tộc thiểu số (13/01/2018 19:29)

Giao lưu khiêu vũ nghệ thuật chào năm mới 2018 (02/01/2018 09:58)

Họp Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần II, năm 2018. (12/12/2017 10:03)

Xã Tân Bắc tổ chức Lễ hội nhảy lửa (06/12/2017 13:37)

Xã Tân Bắc tổ chức Lễ hội nhảy lửa (05/12/2017 10:03)

xem tiếp