Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

Điểm đến du lịch

Gửi Email In trang Lưu
Di tích Căng Bắc Mê

26/09/2014 15:17

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị hà khắc ở vùng Đông Bắc, Thực dân Pháp đã cho xây dựng Căng Bắc Mê. “Căng” phiên âm từ chữ Caserne (tiếng Pháp) nghĩa là đồn binh, trại lính. “Bắc Mê” (theo tiếng địa phương là Pác Mìa - nghĩa là cửa ngòi) trên sườn núi Rồng thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng. Nơi đây có địa thế khá thuận lợi cho việc quan sát, khống chế cả một vùng rộng lớn.

Toàn cảnh di tích Căng Bắc Mê (ảnh: Quang Chung)

Trước năm 1939 Căng Bắc Mê chỉ là đồn binh nhỏ của thực dân Pháp, có khoảng 1 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương, dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan Pháp. Do địa thế hiểm trở, heo hút, rừng thiêng nước độc, nên thực dân Pháp đã lợi dụng nơi này lập trại giam các cán bộ hoạt động cách mạng nhằm uy hiếp và đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Đồn binh cũ được mở rộng, xây dựng thêm nhà cửa, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân.

Căng được xây dựng với diện tích khoảng 2.500m2, gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà làm việc, nhà thông tin, nhà kho... Xung quanh Căng là hệ thống tường thành bảo vệ được xây bằng đá tảng, dài khoảng 190m, cao 2m, dày 40cm, cách 10m lại có một lỗ châu mai hình vuông Từ năm 1939 - 1942 thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng 300 người. Trong đó có nhiều đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương như: Xuân Thuỷ, Trần Cung (tức Nguyễn Ngọc Cư), Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Hoàng Bắc Dũng, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản, Hà Kế Tấn, Lương Nhân, Trần Các, v.v. Trong số các chính trị phạm còn có một số đồng chí là nữ như: Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói, Hoàng Vọng Bình, Nhung (Nguyễn Thị Mỳ tức Minh Tân). Hàng ngày thực dân Pháp bắt các tù nhân lao động khổ sai: Đóng gạch, nung vôi, xây cất nhà cửa, bốt gác... Mọi việc làm đều theo hiệu lệnh kèn (kèn báo thức, kèn làm việc, kèn ngủ, kể cả kèn báo động đêm và ngày) với hy vọng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chế độ hà khắc, cuộc sống kham khổ chốn lao tù sẽ khuất phục tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng những khó khăn, gian khổ, những hành vi tội ác của kẻ thù không dập tắt được ý chí của những người cộng sản, mà ngược lại còn hun đúc ý chí đấu tranh ngày càng mãnh liệt hơn. Với quyết tâm biến nơi tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người Cộng sản. Các đồng chí đã thành lập một Chi bộ Đảng bí mật trong nhà tù, do đồng chí Trần Hiệu (tức Vũ Văn Địch) làm bí thư, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tìm mọi cách để vận động, đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, tổ chức dạy văn hoá để bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng, tranh thủ giác ngộ những thanh niên, quần chúng ở trong và ngoài Căng; ra sức tìm hiểu, học văn hoá, học tiếng dân tộc thiểu số, chăm sóc nhau lúc đau yếu, dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Căng Bắc Mê là một sự kiện mang tính lịch sử. Trong suốt 4 năm hoạt động, Chi bộ Căng Bắc Mê tuy chưa phát động được phong trào đấu tranh ở địa phương và đạt được hoàn toàn các yêu sách trong nhà tù, nhưng ít nhiều cũng đã có tác động đến tinh thần và lòng yêu nước của một số thanh niên và quần chúng ở đây; đồng thời đã giáo dục, động viên, quy tụ, đoàn kết được đại đa số tù nhân, tổ chức các hoạt động đấu tranh làm thất bại những âm mưu tàn bạo của kẻ thù; đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, cung cấp cho Đảng và các cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương khiến cho thực dân Pháp lo sợ, tìm cách đối phó. Căng Bắc Mê là bằng chứng ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng đồng thời là một trường học của các tù nhân với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí cách mạng kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người Cộng sản trong nhà tù đế quốc. Căng Bắc Mê có giá trị lịch sử to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là một địa điểm tham quan, học tập và nghiên cứu lịch sử hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, năm 1992, Căng Bắc Mê đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 97-QĐ ngày 21/1/1992. Từ đó đến nay di tích Căng Bắc Mê đã dần được bảo tồn, tôn tạo. Năm 2003, ngành đã đầu tư vốn trùng tu một số hạng mục: Đắp tường, làm bậc lên xuống bằng đá xẻ, dựng vọng gác... phần nào làm sống lại những giá trị lịch sử, những năm tháng hoạt động của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây.

Bùi Đức Tân - Phòng Di sản Văn hóa

Tin khác

Thác Tiên Đèo Gió (25/09/2014 17:18)

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương (25/09/2014 17:13)

Bãi đá cổ Nấm Dẩn (25/09/2014 16:00)

Di tích Kỳ Đài (25/09/2014 15:50)

xem tiếp